Các hoạt động thường gặp vào dịp Tết trung thu

15 Jun 2017 09:04
Tags

Back to list of posts

Rước đèn

Đây là hoạt động hầu như hiện nay chỉ còn xuất hiện ở một số vùng nông thôn, nơi mà mọi người luôn hòa đồng, vui vẻ với hàng xóm. Đến đêm trăng rằm, trẻ em tụ tập, đi quanh khắp xóm làng, trên tay cầm một chiếc đèn lồng, làm không khí đêm trăng rằm trở nên nhộp nhịp.

Múa lân

Nhiều gia đình đều đặn đến dịp Trung thu là rước lân vào nhà nhảy múa để “xua tà khí” và đêm đến những điều tốt lành. Cũng không ít người cho rằng, gọi lân vào múa cho vui cửa vui nhà và cũng là để “ủng hộ các cháu”, bởi cuối bài biểu diễn bao giờ cũng có động tác lân ngậm tiền thưởng của gia chủ.

Xưa kia, lân chỉ múa trên mặt đất, ngày nay lân còn múa trên các giàn sắt cao với nhiều động tác cực kỳ ngoạn mục. Từ múa lân, nhiều nơi còn tạo dựng thành múa sư tử, múa rồng. Ở nước ta những năm gần đây, Hội thi múa lân trong dịp rằm tháng tám được tổ chức rất tưng bừng tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Những con lân được trang trí rất đẹp mắt, nhảy múa theo kịch bản với sự luyện tập hết sức công phu khó nhọc.

Bày cỗ

Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, hồng, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, bạn bè và những người đã giúp đỡ họ.

Mâm cỗ Trung thu thông thường có trọng tâm là chú chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến.

Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng như dạng pháo bông rất đẹp.

Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai…và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của tết Trung thu.

Làm đồ chơi Trung Thu

Tết trung thu là tết của thiếu nhi, dĩ nhiên đối với thiếu nhi thì không thể thiếu những món đồ chơi. Đồ chơi Tết trung thu thường là: mặt nạ, lồng đèn, đầu sử tử,… Những món đồ chơi thường được làm bằng những chất liệu đơn giản, trẻ em có thể tự tay làm cho mình những món đồ chơi đó.

Các loại bánh trung thu

Bánh nướng

Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn Đường để trộn vào vỏ bánh thường được nấu với mạch nha để chuyển thành màu hổ phách và để càng lâu càng tốt (thường các nhà làm bánh sau tết trung thu nấu nước đường, cất kỹ để tới tận mùa sau mới dùng. Trước kia tại Việt Nam nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xưởng

Sau khi nặn bánh, ép khuôn, bánh được cho vào lò nướng. Quy trình nướng chia làm hai giai đoạn trong đó khoảng 2/3 thời gian nướng là giai đoạn đầu tiên. Sau đó bánh được dỡ ra, làm nguội, phết lòng đỏ trứng gà lên rồi cho vào nướng tiếp 1/3 thời gian còn lại.

Bánh dẻo

Theo truyền thống bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.

Hát trống quân

Trong dịp Tết Trung thu ở đồng bằng Bắc bộ thường vang lên những làn điệu dân ca rất phổ biến. Đó là hát trống quân.

Đây là loại hình dân ca thi tài đối đáp giữa nam nữ thanh niên. Với những câu hát giao duyên, họ trao đổi với nhau những kinh nghiệm sống thường ngày.

Hình thức sinh hoạt ca hát này rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du của Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra.

Gọi là hát trống quân bởi lẽ khi hát người ta phải dùng trống đất để giữ nhịp. Xưa kia, trống đất được làm bằng hai cọc tre cao khoảng 1 mét và một sợi dây thừng gác ngang, giữa sợi dây buộc một thanh tre vuông góc, một đầu chống lên miếng ván mỏng đặt hờ trên một hố đất có bán kính bằng miệng chum, bên trong đổ đầy vỏ ốc. Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào phần dây nơi đặt đầu cọc vừa để làm nhịp “lưu không”, vừa để thúc giục phe bên kia họa lại.

Tục tặng quà

Truyện cổ tích là một trong những món quà được trẻ yêu thích. Hiện nay có rất nhiều cuốn truyện mang ý nghĩa giáo dục để bồi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ, cũng như rèn luyện kỹ năng cho bé như bách khoa toàn thư, từ điển hình ảnh cho bé, những những câu chuyện cổ tích đầy tính nhân văn. Đây sẽ là món quà có ý nghĩa vô giá dành cho các bé trong dịp Tết trung thu đầm ấm.

Ngắm trăng

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Comments: 0


Nếu không có ngoại lệ được nêu, nội dung của trang này được xuất bản dưới giấy phép Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License